Joseph Stella là một danh họa, đặc biệt tạo ấn tượng và nổi tiếng về những bức họa vẽ Cây cầu Brooklyn, thế nhưng ông lại rất say mê các loại cây cỏ nhiệt đới. Hiện nay Bảo tàng Nghệ thuật Norton đang thu hút sự chú ý của những người yêu hội họa bằng những tác phẩm nghệ thuật của ông về các loài thực vật tưởng chừng như đã bị lãng quên.
Bức hoạ Tree of my life (Cây đời tôi) - 1919
Danh họa Joseph Stella từng mê đắm cây cầu Brooklyn. Ông nhận thấy cây cầu - một bản thiết kế và thành tựu kỹ thuật của nước Mĩ - giống như hình ảnh một nhà thờ uốn lượn trên không. Ông đã vẽ nó bằng những đường nét táo bạo và những màu sắc nổi bật. Cây cầu đôi khi mang dáng vẻ trầm tư nhưng lại có lúc thể hiện sự hân hoan của một anh hùng vừa thắng trận.
Stella là một trong những họa sĩ người Mĩ đầu tiên tập trung vào các đề tài công nghiệp và thành thị. Những kiệt tác về cây cầu trong nửa đầu thế kỷ 20 trở thành những dấu ấn trong sự nghiệp của ông. Thế nhưng có một phong cách khác trong hội họa của Stella, khác biệt đến nỗi người ta có thể cảm nhận rằng những tác phẩm hội họa của ông giống như là sự sáng tạo của một họa sĩ khác. Đó chính là những bức họa của ông về thiên nhiên - những bức họa về các loài cỏ cây, hoa lá và chim muông, ong bướm vùng nhiệt đới.
Mùa đông năm nay, Bảo tàng Nghệ thuật Norton đang trưng bày các tác phẩm hội họa về thiên nhiên của Stella, gồm hơn 80 bức họa về cây cỏ và các loài thực vật. Đây là một triển lãm tranh cực kỳ ấn tượng, cho thấy khả năng sử dụng ánh sáng và bóng tối, màu sắc và hình dạng để tạo nên một thế giới thực vật trên các bức họa sơn dầu khiến cho người xem thấy vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, vừa sinh động vừa trầm mặc.
Danh họa Stella đã từng nảy ra nhiều ý tưởng tại Vườn Thực vật New York, và ông đã chắt lọc những ý tưởng đó thông qua một trí tuệ siêu phàm để khắc họa những hình ảnh sinh động tại Vườn Thực vật thông qua những bức họa thơ mộng, lãng mạn và gây rung động lòng người về thế giới thực vật, khiến cho người xem cảm nhận được cái tinh thần sâu sắc. Nhiều bức tranh thể hiện được cảm giác tự do, hiện đại tại triển lãm lần này có thể thu hút đông đúc người yêu hội họa từ Norton tiếp tục hội tụ về triển lãm tranh Art Basel Miami Beach từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 12 năm 2022. Từ Norton về Miami, những người yêu hội họa chỉ mất 90 phút lái xe hoặc đi tàu là tới nơi.
Bức họa Dance of Spring -Vũ điệu mùa Xuân (Song of the Birds - Bài ca của các loài chim), 192
Các nhà lịch sử mĩ thuật cho rằng danh họa Stella là một ngôi sao về hội họa những năm 1920 và 1930 trong giới họa sĩ ở New York, Paris và thành Rome, nhưng danh tiếng của ông phai mờ dần bởi ông không còn gắn với chủ đề thành thị từng khiến ông được chú ý như thuở ban đầu nữa. Những bức họa về thiên nhiên, cỏ cây hoa lá tươi đẹp của ông tưởng chừng như không bao giờ bừng lên sự say mê tương tự với chủ đề thành thị và công nghiệp nữa. Đầu những năm 1940, sức khỏe ông suy giảm, ông chủ yếu sống trong một căn hộ giản dị ở Astoria, Queens và được những người bà con chăm sóc. Năm 1946 ông qua đời ở tuổi 69 vì bệnh tim.
Triển lãm lớn cuối cùng của ông diễn ra cách đây 30 năm tại Bảo tàng Nghệ thuật Whitney của Mĩ ở New York. Những người phụ trách bảo tàng cho biết: Triển lãm nghệ thuật Norton lần này là dịp để giới thiệu ông với công chúng bằng những bức họa mang phong cách khác, màn trưng bày đầu tiên là dành cho các tác phẩm hội họa về thiên nhiên cây cỏ của danh họa Stella.
Cuộc triển lãm mang tên Joseph Stella: Visionary Nature (Joseph Stella: Thiên nhiên hư ảo) lần này được tổ chức bởi Bảo tàng Nghệ thuật Cao cấp ở Atlanta và Bảo tàng Nghệ thuật Brandywine ở Chadds Ford, Pennsylvania trên bờ sông Brandywine Creek thuộc một thị trấn bên ngoài Philadelphia. Bảo tàng sẽ mở cửa vào tháng hai năm 2023 và kéo dài trong 3 tháng, sau đó chuyển về Brandywine vào tháng sáu năm 2023.
Danh họa Stella, bằng những ấn tượng và cảm xúc riêng của ông đã sáng tạo nên những tác phẩm hội họa đầy tâm trạng và sắc nét về cây cầu Brooklyn, những nhà máy luyện kim, những mỏ than và những người thợ mỏ. Ông đã cùng một nhóm các họa sĩ Mĩ dẫn tạo nên sự thay đổi từ chủ nghĩa hiện thực tới chủ nghĩa trừu tượng sống động của các họa sĩ như Jackson Pollock, Willem de Kooning và Mark Rothko. Họ đều là những họa sĩ thành công sau thế chiến II. Các nhà lịch sử hội họa cho rằng trong số hàng trăm bức họa của Stella được trưng bày lần này, hơn 70 phần trăm trong số đó thể hiện được quan điểm độc đáo về thiên nhiên qua những nét vẽ của ông. Thế nhưng những bức họa thiên nhiên này trước đây đã luôn bị lu mờ bởi những bức họa nổi tiếng về Cây cầu Brooklyn.
Bà Barbara Haskell, người phụ trách nhà Bảo tàng Nghệ thuật Whitney cho biết: “Cây cầu là một loại biểu tượng văn hóa còn những bức họa về thiên nhiên, cây cỏ thì ý nghĩa biểu tượng văn hóa ít hơn. Tôi không cho rằng những bức họa thiên nhiên này kém thành công. Tuy nhiên, ban đầu chúng lại không thu hút trí tưởng tượng của công chúng theo cách những bức họa về cây cầu Brooklyn đã từng thu hút.” Bà còn cho rằng “Nhiều họa sĩ trước đó đã từng vẽ hoa nhưng việc vẽ cây cầu của họa sĩ đã mang tính cách mạng. Không có ai vẽ về chủ đề công nghiệp và thành thị thành công như ông. Cây cầu làm nên một phong cách hội họa mới hoàn toàn. Nó là một cấu trúc mới cho một thế hệ mới. Nó khơi dậy sự chú ý của người xem.”
Bức họa Battle of Lights (Trận chiến của ánh sáng) 1913 -1914
Danh họa Stella đã đến New York từ thị trấn Naples thuộc phía nam nước Ý năm 18 tuổi. Ông từng triển lãm những bức họa đầu tiên của mình ở New York năm 1906 khi ông 29 tuổi. Nhưng phải tám năm sau, bức họa với tựa đề Battle of Lights - Trận chiến của ánh sáng của ông lần đầu gây được sự chú ý rộng rãi trong giới hội họa và người hâm mộ tranh. Đây là một bức họa đầy ấn tượng với những sắc màu biến ảo kinh ngạc về công viên giải trí Brooklyn. Bức tranh miêu tả những khu vui chơi sôi động những vòng quay dầm thép tỏa ra của bánh xe Ferris cùng các trò giải trí cảm giác mạnh như những tàu lượn siêu tốc hòa cùng bản giao hưởng của các loại đèn điện và những đám người đông đúc qua lại nhộn nhịp trong công viên. Bức tranh đã thống lĩnh cuộc trưng bày tại phòng Trưng bày Montross năm 1914. Sáu năm sau, danh họa Stella tiếp tục trưng bày bức họa Cây cầu Brooklyn đầu tiên và một kiệt tác của ông về cây cỏ với tựa đề “Tree of My Life” (Cây đời của tôi), chỉ ngay sau một thời gian ngắn vẽ xong.
Trong buổi thảo luận với Bảo tàng Nghệ thuật Norton gần đây, bà Stephanie Mayer Heydt - người phụ trách Bảo tàng Nghệ thuật Cao cấp của Mĩ cho hay: “Danh họa Stella lấy cảm hứng cho bức “Tree of My Life” trong khi ông đang vẽ bức Cây cầu Brooklyn đầu tiên. Khi ông đang dạo bước ở Brooklyn, ông thấy một cây hoa nhỏ nằm giữa khe của vỉa hè và một tòa nhà cao tầng đang cố gắng ngoi lên hứng ánh nắng mặt trời để dần lớn lên. Thế rồi ông cảm thấy mình giống như cái cây hoa đó bởi bản thân ông đã rời Miền nam nước Ý đầy nắng để đến sinh sống ở New York. Ông mong mỏi nước Ý và đồng thời tạo nên một kiệt tác nghệ thuật “Tree of My Life”. Quý vị sẽ nhận thấy hai phong cách hội họa hoàn toàn khác nhau này thông qua các bức họa về thiên nhiên đầy sinh động của ông.”
Những bức họa American Landscape (Phong cảnh nước Mỹ), 1929, bên trái và Smoke Stacks (Những ống khói), 1921, tại Bảo tàng Nghệ thuật Norton
Ý tưởng cho triển lãm mới lần này là của Thomas Padon, giám đốc Bảo tàng Brandywine. Ông đã tình cờ thấy bức họa “Tree of My Life” (Cây đời của tôi) tại nhà của một nhà sưu tập tranh ở Seattle cách đây năm năm và bức họa khiến ông sững sờ ngay từ những giây phút đầu tiên. Đây là một bức họa lớn - một trong những tác phẩm nghệ thuật phức tạp nhất của danh họa Stella, một bức họa với chi tiết sôi động và khiến người xem rung động. Thoạt nhìn vào bức họa sẽ thấy mảng màu tối của thân cây xương xẩu ở chính giữa nhưng từ đó lại tỏa ra các sắc màu tươi sáng và sinh động của các loại thực vật. Hậu cảnh là phong cảnh tuyệt đẹp dưới bầu trời xanh. Thân cây giống như cây ô liu đang vươn lên bầu trời cao rộng (một loại cây có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải nơi Stella còn trẻ). Bức họa tràn đầy hình ảnh những bụi cây và các đóa hoa kỳ diệu, những gam màu của những chú chim nhỏ, những con thiên nga, những chú diệc với chiếc cổ vươn dài ra gợi nhớ tới những bức chân dung của danh họa Amedeo Clemente Modigliani.
(Theo New York Times)
TRỊNH THANH THỦY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022